Lịch sử Xã_hội_học_đô_thị

Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, công nghiệp hoá và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đã làm nảy sinh vô số những vấn đề xã hội tiêu cực và phức tạp tại các đô thị và vì vậy đã thu hút sự chú ý của các nhà xã hội học của Phương Tây.

Tác phẩm "Đô thị" xuất bản năm 1905, Max Weber đã chứng minh rằng cơ cấu xã hội của đô thị tạo khả năng cho sự phát triển của cá nhân và là công cụ cho sự thay đổi của lịch sử và Weber đã xem xét đô thị như là một thiết chế xã hội. Trong công trình "Thành phố lớn và cuộc sống tinh thần" (Metropolis and mental life) xuất bản năm 1903, Georg Simmel đã chú ý vào mô hình tương tác ở đô thị với tính chất chức năng và phi biểu cảm của các mối quan hệ và sự tiếp xúc ở đô thị. Cũng như Weber, Simmel cho rằng cá nhân trong đời sống đô thị không có bản sắc riêng.

Những năm 20, châu Âu và Bắc Mỹ hình thành môn học Xã hội học về đời sống đô thị (sociology of urban life), hay xã hội học đô thị (urban sociology). Tại các nước phát triển (Anh, Pháp, Đức, Mỹ) có nhiều trường và viện nghiên cứu, khảo sát, công bố nhiều ấn bản về đề tài xã hội học đô thị.

Hội nghị đầu tiên của xã hội học đô thị được nhóm họp lần đầu tiên vào năm 1953 tại Đại học Columbia (Mỹ), với sự tham gia của nhiều nhà xã hội học trên thế giới. Đến năm 1956, một hội thảo khoa học được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) với chủ đề "Vấn đề phát triển đô thị, các nhân tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng tới đời sống đô thị các nước châu Á" đã nói lên tầm quan trọng của xã hội học đô thị trong quá trình phát triển nhanh chóng của xã hội.

Ban đầu xã hội học đô thị nghiên cứu hết sức rộng, theo A. Boskoff: "Gia đình và hôn nhân, giáo dục trẻ em, tội phạm, đặc biệt là tội phạm trẻ em, sự di cư, vấn đề chủng tộc, người gia, sức khoẻ tâm lý, giai cấp xã hội, tôn giáo học vấn và các xu hướng trong các đời sống xã hội-đó là phạm vi các vấn đề xã hội học đô thị nghiên cứu". Các vấn đề nghiên cứu ở đây chiếm đa số các vấn đề xã hội. Điều này cho thấy khi xã hội phát triển càng cao thì nảy sinh càng nhiều vấn đề phức tạp hay nói xã hội học đô thị ra đời trong bối cảnh xã hội nông thôn đang thay đổi nhanh chóng, các kiểu quan hệ truyền thống bị thay đổi trong xã hội hiện đại. Các nhà xã hội học đô thị có gắng giải thích bản chất các sự vật hiện tượng, cố gắng đi sâu vào nghiên cứu cấu trúc, quá trình của xã hội đô thị qua đó lý giải bản chất của đô thị, cộng đồng đô thị, đời sống đô thị. Với sự phát triển của nghiên cứu thực nghiệm, đặc biệt với sự phát triển của xã hội học đô thị Mỹ, đối tượng nghiên cứu được khu biệt hóa cụ thể hơn, rõ hơn. Nên có rất nhiều định nghĩa về xã hội học đô thị, nhưng định nghĩa chung nhất "bao gồm việc khảo sát rộng rãi quá trình đô thị hóa, trong đó nêu rõ những ảnh hưởng, tác động qua lại của các quá trình này tới các tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư đô thị nói chung".

Xã hội học đô thị và các mô hình kinh tế ngày càng phục thuộc nhiều vào các mô hình xã hội của cuộc sống đô thị. Việc mở rộng, quy hoạch, xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân đô thị trong các lĩnh vực lao động sản xuất, sinh hoạt – vui chơi, giải trí…của người dân. Xã hội học đô thị là một lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học, nghiên cứu bản chất của cơ cấu và quá trình xã hội đô thị, qua đó lý giải bản chất của đô thị, cộng đồng đô thị và đời sống đô thị. Đây được xem là một chuyên ngành nhiều tuổi nhất của xã hội học.